Để tập phát âm trường âm và âm ngắt, các bạn cần phải biết về thuật ngữ mora 「モーラ」hay nói nôm na cho dễ hiểu, mora chính là âm tiết hay phách trong tiếng Nhật. Cũng giống như trong âm nhạc, khi phát âm các mora phải được phát âm đều nhau. Các bạn sẽ còn gặp thuật ngữ này nếu học chuyên sâu hơn.

Mỗi một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Nhật, ví dụ あ、い、う、え、お、か、… 、を、ん sẽ mang giá trị 1 mora, âm ngắt っ là 1 mora, các âm kết hợp きゃ、きゅ、… dù được ghi âm bằng 2 chữ Kana nhưng vẫn mang giá trị 1 mora.

Trường âm là gì?

Chính là những âm tiết được kéo dài ra, và ý nghĩa cũng khác đi.

Ví dụ:  「ゆき」yuki có nghĩa là tuyết còn 勇気 「ゆうき」yuuki lại có nghĩa là dũng khí.

Khi viết thì trường âm biểu thị khác nhau trong 2 bảng chữ cái Hiragana và Katakana.

Trong bảng Hiragana

Trường âm của あ là あ, của い là い, của う là う, nhưng của え lại là い và của お lại là う.

Ví dụ:

  • お母さん 「おかあさん」 okaasan - mẹ
  • お爺さん 「おじいさん」 ojiisan - ông, chú
  • 昨夜 「ゆうべ」 yuube - tối hôm qua
  • 先生 「せんせい」 sensei - thầy cô giáo
  • お父さん 「おとうさん」 otousan - bố

Vậy đôi khi có những từ mà chính tả được viết thế này, thì có phải trường âm không?

お姉さん 「おねえさん」 oneesan - chị 大きな 「おおきな」 ookina - to lớn

Các bạn tự tìm câu trả lời nhé.

Trong bảng Katakana

Tất cả trường âm đều biểu diễn bằng 「-」.

Ví dụ:

  • インターネット intaanetto - Internet
  • コーヒー koohii - Coffee, cà phê

Âm ngắt là gì?

Là những khoảng ngắt khi ta phát âm. Được biểu thị bằng chữ つ viết nhỏ lại, nguyên tắc là ta sẽ gấp đôi phụ âm đằng sau nó.

Ví dụ:

  • 一杯 「いっぱい」ippai - một chén
  • 結婚 「けっこん」kekkon - kết hôn
  • ロマンティック romantikku - romantic, lãng mạn

Còn bây giờ là phần hướng dẫn phát âm…

Hướng dẫn phát âm

Về trường âm, có thể thấy, mặc dù cách ghi trường âm có khác nhau trong bảng Hiragana nhưng nguyên tắc phát âm đơn giản là ta kéo dài âm ra thêm một mora nữa. Có một số bạn mới học tiếng Nhật do không biết đó là trường âm nên thường phát âm chưa chính xác. Vídụ: sensei => xen-xây, thực ra phải đọc là xen-xêê.

Cách luyện tập cơ bản: Ban đầu chúng ta đọc chậm, tách riêng ra từng âm tiết nhưng phải đúng theo trường âm, ví dụ せんせい sensei các bạn phải đọc riêng ra là: xe/en/xê/ê. Và sau đó đọc nhanh dần để quen.

Ví dụ 1:

Trong từ さようなら (tạm biệt) ta thấy có trường âm よう, vậy ban đầu ta sẽ phát âm chậm, tách riêng từng chữ: xà/yô/ô/na/ra. Đến khi nào có thể cảm nhận được nhịp phách lúc đó ta sẽ phát âm nhanh dần: xàyôônara.

Ví dụ 2:

Cùng thử luyện tập: Thủ đô của Nhật Bản là 東京 「とうきょう」, vậy sẽ có bao nhiêu mora và sẽ phát âm như thế nào, biết mora đầu tiên phát âm cao hơn các mora còn lại?

Về âm ngắt, nguyên tắc phát âm, ta thêm phụ âm gấp đôi vào, tạo khoảng dừng có độ dài 1 mora và tiếp tục phát âm. Ban đầu ta cũng phát âm chậm rồi, tách rời, rồi từ từ nhanh dần.

Ví dụ 3:

Chữ 立って 「たって」(hãy đứng) ta sẽ phát âm chậm, tách rời: tat/(ngắt)/tê rồi sẽ từ từ nhanh lên. Ngữ điệu ở đây chữ た phải phát âm thấp hơn って nhé.

Quá trình luyện tập đơn giản là thế, điều quan trọng cần luyện tập là mức độ cảm nhận được nhịp phách của từ ngữ, câu chữ. Thực ra trong giao tiếp người ta không phân biệt rõ ràng cho lắm nhưng khi đọc diễn văn hay thuyết trình thì phát âm đúng là rất quan trọng.